Cây trinh nữ và các tác dụng của nó

Cây trinh nữ quen thuộc với người dân Việt Nam tuy nhiên có nhiều loại cây trinh nữ khác nhau và tác dụng của từng loại là khác nhau. H-Regulator giới thiệu 2 loại cây trinh nữ đó là cây trinh nữ thường gặp và cây trinh nữ Châu Âu. 

Giới thiệu về cây trinh nữ tại Việt Nam

Giới thiệu về cây trinh nữ tại Việt Nam 1

Tên gọi: Cậy trinh nữ, cây thẹn, cây xấu hổ, cây mắc cỡ, …

Tên khoa học: Mimosa pudica L. – thuộc họ Ðậu – Fabaceae

Tại Việt Nam cây thường mọc dại và rất phổ biến, xấu hổ phân bố rải rác khắp nơi, từ đồng bằng đến vùng núi có độ cao dưới 1000m. Cây xấu hổ ưa sáng, mọc trên đất ẩm ở bãi sông, ven đường, nương rẫy, ruộng bỏ hoang. Nguồn gốc của tên gọi bắt nguồn từ việc lá khi đụng phải sẽ cụp rủ xuống. Cây trinh nữ có vị ngọt, hơi se, tính hơi hàn, có tác dụng trấn tĩnh, an thần, chống viêm, làm dịu đau, hạ áp, tiêu tích, lợi tiểu.

Mô tả về cây: Cây thân thảo nhỏ, phân nhiều nhánh, mọc thành bụi, loà xoà trên mặt đất, cao độ 50cm, thân có nhiều gai hình móc. Lá kép lông chim chẵn, hai lần, cuống phụ xếp như hình chân vịt, khi dụng chạm nhẹ thì lá cụp xẹp lại, hoặc buổi tối cũng cụp lại. Lá chét nhỏ gồm 12-14 đôi. Hoa nhỏ, màu tím nhạt, tụ lại thành hình đầu. Quả giáp nhỏ, dài độ 2cm, rộng 2-3mm, tụ lại thành hình ngôi sao, có lông cứng-hạt nhỏ, dẹt dài độ 2mm, rộng 1-1,5mm

Thành phần hóa học: cây chứa alcaloid là minosin và crocetin còn có flavonosid, các loại alcol, acid amin, acid hữu cơ. Hạt chứa chất nhầy, lá chiết ra một chất tương tự adrenalin. Trong lá và quả đều có selen

Tác dụng dược lý của cây trinh nữ

Hoạt tính chống nọc rắn độc: Khả năng trung hòa nọc rắn độc của mimosa được nghiên cứu khá sâu rộng tại Ấn Độ. Nghiên cứu tại ĐH Tezpur (Ấn Độ) năm 2001 ghi nhận các dịch chiết từ rễ khô mimosa pudica có khả năng ức chế các độc tính tác hại của nọc rắn hổ mang Naja kaouthia. Sự ức chế bao gồm các độc hại gây ra cho bắp thịt, cho các enzy mes. Dịch chiết bằng nước có tác dụng mạnh hơn dịch chiết bằng alcohol (Journal of Ethnopharmacology Số 75-2001). Nghiên cứu bổ túc tại ĐH Mysore, Manasa gangotry (Ấn Độ) chứng minh được dịch chiết từ rễ cây mắc cỡ ức chế được sự hoạt động của các men hyaluronidase và protease có trong nọc các rắn độc loại Naja naja, Vipera russelii và Echis carinatus (Fitoterapia Số 75-2004).

Hoạt tính chống co giật: Nghiên cứu tại Departement des Sciences Biologiques, Faculté des Sciences, Université de Ngaoundere (Cameroon) ghi nhận dịch chiết từ lá cây mắc cỡ khi chích qua màng phúc toan (IP) của chuột ở liều 1000 đến 4000 mg/ kg trọng lượng cơ thể bảo vệ được chuột chống lại sự co giật gây ra bởi pentylentetrazol và strychnin tuy nhiên dịch này lại không có ảnh hưởng đến co giật gây ra bởi picrotoxin, và có thêm tác dụng đối kháng với các phản ứng về tâm thần gây ra bởi N-methyl-D-as partate (Fitoterapia Số 75-2004).

Hoạt tính chống trầm cảm (antidepressant) Nghiên cứu tại ĐH Veracruỳ (Mexico) ghi nhận nước chiết từ lá khô Mimosa pudica có tác dụng chống trầm cảm khi thử trên chuột. Thử nghiệm cũng dùng clomipramine, desipramine để so sánh và đối chứng với placebo (nước muối 0,9 %). Liều sử dụng cũng được thay đổi (dùng 4 lượng khác nhau từ 2mg, 4mg, 6mg đến 8 mg/kg). Chuột được thử bằng test buộc phải bơi.

Hoạt tính chống âu lo được so sánh với diazepam, thử bằng test cho chuột chạy qua các đường đi phức tạp (maze). Kết quả ghi được: clomipramine (1,3 mg/kg, chích IP), desipramine (2.14mg/kg IP) và Mắc cở (6,0mg/kg và 8,0 mg/kg IP) làm giảm phản ứng bất động trong test bắt chuột phải bơi. M. pudica không tác dụng trên test về maze. Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt tính của Mắc cỡ có cơ chế tương tự như nhóm trị trầm cảm loại tricyclic (Phytomedicine Số 6-1999).

Tác dụng trên chu kỳ rụng trứng: Nghiên cứu tại ĐH Annamalai, Tamilnadu (Ấn Độ): Bột rễ mimosa pudica (150 mg/ kg trọng lượng cơ thể) khi cho uống qua đường bao tử, làm thay đổi chu kỳ oestrous nơi chuột cái Rattus norvegicus. Các tế bào loại có hạch (nucleated và cornified) đều không xuất hiện. Chất nhày chỉ có các leukocytes.. đồng thời số lượng trứng bình thường cũng giảm đi rất nhiều, trong khi đó số lượng trứng bị suy thoái lại gia tăng. (Phytotherapia Research Số 16-2002). Hoạt tính làm hạ đường trong máu: Dịch chiết từ lá mắc cỡ bằng ethanol, cho chuột uống, liều 250 mg/ kg cho thấy có tác dụng làm hạ đường trong máu khá rõ rệt (Fitoterapia Số 73-2002).

Các bài thuốc hay từ cây trinh nữ

Với rễ cây trinh nữ

Chữa đau lưng, đau nhức xương khớp, chân tay tê bại: rễ trinh nữ đã thái mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm. Lấy 20  – 30g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Hoặc rễ cây trinh nữ xắt thành miếng mỏng phơi khô; hàng ngày lấy 120g đem rang rồi tẩm rượu cao độ (40 – 45o) và lại rang khô. Sau cho 3 bát nước sắc còn 1 bát chừng 200 – 250ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 4 – 5 ngày sẽ cho kết quả.

Chữa khí hư: rễ xấu hổ tươi giã, ép nước rồi uống ngày 3 lần. Mỗi lần 2 thìa canh trong một tuần.

Viêm khí quản mạn tính: Rễ cây xấu hổ 100 g sắc với 600 ml nước lấy 100 ml, chia 2 lần uống trong ngày; mỗi liệu trình 10 ngày. Các quan sát lâm sàng thấy, 70% bệnh nhân khỏi bệnh hoặc có chuyển biến tốt sau 1 liệu trình. Tỷ lệ này là 80% sau 2-3 liệu trình.

Chữa viêm dạ dày mạn tính, mắt hoa, đau đầu, mất ngủ: Rễ cây xấu hổ 10-15 g, sắc với nước uống.

Với lá, cành cây trinh nữ

Chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, trằn trọc: cành lá xấu hổ 15g, rửa sạch, cắt ngắn sao vàng, sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với cây nụ áo hoa tím 15g, chua me đất hoa vàng 30g, lạc tiên, mạch môn, thảo quyết minh, mỗi thứ 10g. Sắc uống.

Chữa tăng huyết áp: cành lá xấu hổ, trắc bách diệp, hoa đại, câu đằng, đỗ trọng, lá vông nem, hạt thảo quyết minh (sao), thân lá bạch hạc, mỗi vị 8g, hà thủ ô đỏ, tang  ký sinh mỗi vị 6g, địa long 4g. Sắc uống trong ngày. Có thể tán bột  rây mịn, luyện với hồ làm viên, uống mỗi ngày 20 – 30g.

Chữa đầy bụng chậm tiêu: Lá và cành xấu hổ 16g, thần khúc 12g, bạch thược 16g, mạch nha 16g. Sắc làm 2 lần, mỗi lần lấy một bát nước thuốc uống sau bữa ăn trưa và tối. Dùng 3 – 5 ngày.

Chữa bệnh Zona: Lá cây xấu hổ giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh ngày 1 lần, cần làm 3 – 5 ngày liền.

Giới thiệu về cây trinh nữ Châu Âu

Giới thiệu về cây trinh nữ Châu Âu 1

Tên gọi:  cây Vitex, Chasteberry hay cây Trinh nữ

Tên khoa học: Vitex agnus-castus – họ Lamiaceae – Bạc hà

Cây Trinh nữ Châu Âu có nguồn gốc từ  Địa trung hải và Trung á. Cây Vitex agnus-castus được trồng rộng rãi ở các vùng ôn đới và cận nhiệt đới ấm. Cây được trồng bằng hạt giống vào mùa xuân. Quả chín thu hoạch vào mùa thu.

Mô tả về cây: Cây Vitex là loại cây thân gỗ nhỏ, phát triển với chiều cao từ 1-5 mét. Lá mọc đối, thường có 5 lá chét không đều, lá chét ở giữa to nhất. Hoa của cây vitex có màu tím nhạt, mọc thành cụm hình chùy, hoa thường ở ngọn cành ít khi ở nách lá, dài 10-20 cm, phân nhánh đối nhau. Cây đòi hỏi đầy đủ ánh nắng mặt trời hoặc bóng râm một phần cùng với đất thoát nước tốt được tìm thấy nhiều trên bờ biển phía nam của Long Island và Nantucket trên bờ biển Đông của Bắc Mỹ và ở phía tây nam nước Anh.

Thành phần hóa học:  Tinh dầu, Alkaloids, Flavonoids, Iridois.

Từ hàng nghìn năm nay, cây vitex đã được sử dụng đề điều trị các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt và sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngày nay, người ta đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng, quả cây vitex còn có tác dụng lớn trong việc làm giảm các triệu chứng tâm lý ở phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Cơ chế tác dụng của cây Trinh nữ Châu Âu (Vitex)

Cơ chế tác động thông qua thụ thể dopaminergic tại não bộ

Hoạt động của hệ Dopaminergic tại não bộ được thấy là bị giảm một cách điển hình ở phụ nữ hậu mãn kinh nhiều hơn ở phụ nữ tiền mãn kinh. Hoạt động của hệ dopaminergic giảm cũng liên quan đến nhiều triệu chứng về mặt tâm lý.

Thành phần diterpen trong quả Vitex làm tăng hoạt động của hệ dopaminergic, do đó giúp kiểm soát tâm trạng, cảm xúc và điều hòa thân nhiệt. Đồng thời cũng gây ức chế sản xuất và tiết prolactin.

Nhiều triệu chứng tiền mãn kinh bị trầm trọng lên là do chứng tăng prolactin tiềm tàng, vì vậy tác dụng làm giảm prolactin của Vitex có thể giúp làm giảm mức độ nặng của các triệu chứng.

Cơ chế kích thích thụ thể Opioid

Hệ opioid đóng vai trò thiết yếu trong điều hòa tâm trạng, sự ngon miệng và hoạt động của trục dưới đồi – tuyến yên (HPA). Hoạt động của opioid nội sinh và lượng endorphin thường giảm quanh thời kỳ mãn kinh, vì vậy bằng việc tăng endorphin thông qua kích thích opioid của Vitex giúp cải thiện tâm trạng và bình ổn cảm xúc, giảm đau đầu và cả cơn bốc hỏa.

Cơ chế tác động thông qua Melatonin

Giảm tiết melatonin có liên quan với sự phát triển của mãn kinh và các triệu chứng của nó, như là các triệu chứng trầm trọng về vận mạch và tâm trạng nhưng mạnh nhất là liên quan tới giấc ngủ. Quả Vitex cho thấy tác dụng làm tăng tiết melatonin phụ thuộc liều do vậy giúp tăng hiệu quả cải thiện các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.

Bằng chứng về mức độ an toàn

Cho tới nay, người ta không thấy có lo ngại nào về độ an toàn liên quan tới quả Vitex. Các tác dụng phụ ghi nhận là hiếm và thường nhẹ.

Tóm lại,Vitex có sự phối hợp đặc biệt và độc nhất các hợp chất có hoạt tính giúp điều hòa hoạt động nội tiết thần kinh. Đặc biệt các vai trò trong hệ dopaminergic và opioid trung ương làm cho Vitex trở thành một lựa chọn điều trị đáng giá để làm giảm các triệu chứng về mặt tâm lý của tiền mãn kinh và mãn kinh.

Ở Anh, một điều tra 276 người hành nghề về dược liệu thấy rằng hầu hết họ (86,3%) kê dịch chiết quả Vitex để điều trị các triệu chứng mãn kinh.

Theo Hregulator.net

Ý kiến của bạn