Các loại thực phẩm đậu nành truyền thống như đậu phụ và miso đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước Đông Á trong nhiều thế kỷ. Chúng cũng đã được tiêu thụ bởi các cá nhân có ý thức về sức khỏe ở các nước phương Tây trong nhiều thập kỷ. Trong những năm gần đây, vì lợi ích sức khỏe, người châu Á đã kết hợp đậu nành vào chế độ ăn của họ. Đậu nành và chế phẩm từ đậu nành đặc biệt có lợi cho phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh và sau mãn kinh. Bởi chúng là nguồn thực phẩm giàu isoflavone – một loại phytoestrogen.
Isoflavone là gì?
Isoflavones có một phân bố giới hạn trong tự nhiên, vì thế chế độ ăn không bao gồm thực phẩm từ đậu nành hầu như không có các hợp chất này.
Isoflavone là một hợp chất có biểu hiện giống như estrogen nội sinh trong cơ thể và có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành (CHD), loãng xương, một số dạng ung thư, và làm giảm các cơn nóng liên quan đến thời kỳ mãn kinh. Do đó, nhiều phụ nữ xem đậu nành là lựa chọn thay thế tự nhiên cho liệu pháp hormone thông thường.
Sự quan tâm đến các liệu pháp thay thế liệu pháp hormone đã tăng lên sau khi Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ (WHI) công bố kết quả thử nghiệm năm 2002 cho thấy nguy cơ mắc ung thư vú khi sử dụng lâu dài liệu pháp hormon kết hợp (estrogen cộng với progestin). Trong thực tế, nhiều năm sau khi ngừng điều trị bằng liệu pháp hormone, nguy cơ ung thư vú vẫn tăng đáng kể.
Tuy nhiên, isoflavone không phải là không có tranh cãi. Các hiệu ứng giống như estrogen của isoflavone đã làm dấy lên lo ngại rằng thành phần đậu tương này sẽ gây ra một số hiệu ứng không mong muốn giống như liệu pháp hormon. Nhưng sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo, isoflavone đậu nành không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư hay gây ra các tác dụng phụ.
Đậu nành và sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh
Đậu nành, Isoflavones và các cơn bốc hỏa
Các cơn bốc hỏa rất phổ biến ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, đây được coi là một trong những triệu chứng khó chịu nhất. Trong số những phụ nữ gặp triệu chứng này thì 10-15% phụ nữ trải qua những cơn nóng dữ dội và thường xuyên. Nguyên nhân của các cơn bốc hỏa không được hiểu đầy đủ nhưng sự sụt giảm nồng độ estrogen tuần hoàn xảy ra trong thời kỳ mãn kinh được công nhận là một yếu tố.
Một nghiên cứu cho thấy rằng, tần số gặp các cơn bốc hỏa ở phụ nữ Nhật Bản thấp hơn so với phụ nữ da trắng. Điều này được lý giải rằng do trong chế độ ăn của người nhật Bản rất nhiều các sản phẩm đến từ đậu nành. Đậu nành là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Nhật. Phụ nữ Nhật Bản thường xuyên tiêu thụ đậu nành vì họ hiểu được giá trị của thực phẩm này, đó là một nguồn cũng cấp phytoestrogen tuyệt vời.
Loãng xương
Để đáp ứng với mức estrogen giảm, phụ nữ có thể mất một lượng đáng kể khối lượng xương sau thời kỳ mãn kinh, làm tăng đáng kể nguy cơ gãy xương. Liệu pháp estrogen giảm nguy cơ mất xương sau mãn kinh và nguy cơ gãy xương hông.
Suy đoán ban đầu rằng thực phẩm đậu nành có thể thúc đẩy sức khỏe của xương ở phụ nữ sau mãn kinh dựa trên các tác dụng giống như estrogen của isoflavone. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ chế hoạt động của isoflavone đậu nành mô phỏng như những gì mà thuốc chống loãng xương thông thường mang lại. TS. Thozhukat Sathyapalan (Đại học Hull Anh Quốc) cho biết: “Chúng tôi thấy rằng protein đậu nành và isoflavone là một sự lựa chọn an toàn, hiệu quả để cải thiện sức khỏe xương ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh”.
Sức khỏe tim mạch
Đậu nành có khả năng chống lại bệnh tim. Bởi thực phẩm từ đậu nành có ít chất béo bão hòa và nhiều chất béo không bão hòa. Ngoài ra, protein đậu nành trực tiếp làm giảm mức cholesterol trong máu, một thuộc tính đã được chính thức công nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ năm 1999.
Thông qua cấu tạo của axit béo và hàm lượng protein trong đậu nành, khi đậu nành thay thế các nguồn protein thường được tiêu thụ trong chế độ ăn uống, nồng độ LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu sẽ giảm xuống khoảng 8%. Về lý thuyết, trong một khoảng thời gian, sự sụt giảm này có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch vành (CHD) từ 8-16%.
Ngoài ra, một nghiên cứu kéo dài 3 năm ở 350 phụ nữ sau mãn kinh khỏe mạnh ở độ tuổi 45-92, nhận thấy rằng protein đậu nành giàu có khả năng ức chế sự tiến triển của xơ vữa động mạch.
Ung thư vú
Trong hơn hai thập kỷ, vai trò của đậu nành trong việc giảm nguy cơ ung thư vú đã được nghiên cứu một cách chặt chẽ. Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu dịch tễ học được công bố năm 2013 bao gồm 12 nghiên cứu châu Á cho thấy: Đậu nành làm giảm gần 1/3 nguy cơ ung thư vú.
Tuy nhiên, có bằng chứng chỉ ra rằng để có được lợi ích này, việc tiêu thụ đậu nành phải thực hiện từ thời còn trẻ hoặc tuổi vị thành niên. Trong các nghiên cứu trên động vật, khi các loài gặm nhấm rất nhỏ tiếp xúc với isoflavone trong vài tuần, ung thư vú gây được ra bằng hóa học đã giảm đáng kể trên chúng; các tế bào trong tuyến vú đang phát triển dường như trải qua một sự thay đổi khiến chúng ít có khả năng bị biến đổi thành các tế bào ung thư sau này.
Sức khỏe tâm thần
Trầm cảm là một rối loạn thường xảy ra khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh. Tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở phụ nữ so với nam giới cho thấy rằng kích thích tố sinh sản có thể liên quan đến nguyên nhân của căn bệnh này. Ngoài ra, các nghiên cứu theo chiều dọc cho thấy thời kỳ mãn kinh là một giai đoạn có nguy cơ bị trầm cảm hoặc tái phát trầm cảm đối với một số phụ nữ.
Nguyên nhân của trầm cảm tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh là do sự biến thiên của hormone estrogen cộng với những yếu tố tác động từ bên ngoài như: môi trường sống, gánh nặng con cái, tài chính, các sang chấn tâm lý, vv.
Các bằng chứng mới nổi cho thấy rằng isoflavones có thể hoạt động như thuốc chống trầm cảm. Trong khoảng 2 năm, một nghiên cứu của Ý nhằm đánh giá các hiệu ứng tâm trạng của phụ nữ giai đoạn mãn kinh, họ phát hiện ra rằng phụ nữ sau mãn kinh dùng genistein 54 mg/ngày cho thấy sự suy giảm các triệu chứng trầm cảm trong khi không có thay đổi nào xảy ra ở nhóm giả dược. Ngoài ra, một nghiên cứu tại Nhật Bản liên quan đến phụ nữ tiền mãn kinh và hậu mãn kinh cũng cho thấy rằng một liều rất vừa phải (25 mg/ngày) của isoflavone tiêu thụ ở dạng aglycone có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm.
Sức khỏe da
Isoflavones được chứng minh có thể cải thiện sức khỏe tổng thể của da, cụ thể là cải thiện một số thông số da bao gồm: độ đàn hồi da, khả năng giữ nước, sắc tố và mạch máu.
Một số thử nghiệm cho kết quả rằng isoflavone giúp làm giảm nếp nhăn da. Hai nhóm 20 phụ nữ khỏe mạnh sau mãn kinh từ 50 đến 65 tuổi, một nhóm với chế độ ăn không có đậu nành và một nhóm bổ sung 20g đậu nành giàu isoflavone trong 3 tháng, kế quả nhóm có sử dụng đậu nành có sự đàn hồi da tăng, nếp nhăn da giảm so với nhóm không sử dụng đậu nành. Trong một nghiên cứu khác liên quan đến 26 phụ nữ Nhật Bản vào cuối những năm 30 và 40, trong khoảng thời gian 3 tháng, họ sử dụng các chất bổ sung giúp cung cấp 40 mg/ngày isoflavone, kết quả là nếp nhăn trên da giảm đáng kể, trong khi không có thay đổi nào xảy ra ở nhóm giả dược.
Cuối cùng, một thử nghiệm 14 tuần với sự tham gia của 159 phụ nữ sau mãn kinh. Những phụ nữ này sau khi sử dụng một loại đồ uống có chứa isoflavone thì các nếp nhăn trên da giảm 10%; độ sâu của nếp nhăn cải thiện, da tăng tổng hợp collagen.
Đậu nành là nguồn cung cấp isoflavone giàu dinh dưỡng độc đáo, một hợp chất được gọi là phytoestrogen nhưng khác với hormone estrogen. Dữ liệu dịch tễ học và lâm sàng cho thấy rằng đậu nành và thực phẩm từ đậu nành đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh.
Ý kiến của bạn