Thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh thường gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Isoflavone là chất được sử dụng với vai trò cải thiện những triệu chứng khó chịu trong thời kỳ này. Dựa trên các nghiên cứu khoa học gần đây, người ta đã có sự hiểu biết tốt hơn về isoflavone đậu nành, từ đó có thể dùng đúng hoạt chất này nhằm đem lại hiệu quả tối ưu đồng thời đảm bảo độ an toàn.
Isoflavone là gì?
Isoflavone là các hợp chất được chiết xuất từ thực vật có hoạt tính estrogen (còn gọi là estrogen thực vật). Một trong số những loại thực vật giàu isoflavone nhất là đậu nành (Glycine max).
Isoflavone trong đậu nành thực chất là một hỗn hợp nhiều isoflavone khác nhau, bản chất là các hợp chất glycoside. Thành phần chính trong Isoflavone đậu nành là: Genistin, Daidzin và Glycitin. Khi 3 thành phần chính này được lên men/tiêu hóa trong cơ thể, chúng sẽ được chuyển hóa lần lượt thành: genistein, daidzein, glycitein và phát huy tác dụng sinh lý.
Điều này có nghĩa là hiệu quả của isoflavone bị ảnh hưởng bởi sự chuyển hóa/lên men của nó. Sự chuyển hóa này phụ thuộc vào hoạt động hệ vi khuẩn trong ruột non của người.
Trong số đó, Genistein có hoạt tính sinh học mạnh nhất, kế đến là Daidzein trừ khi nó được chuyển hóa thành S-equol nhờ loại vi khuẩn đặc biệt (ước tính 1/3 số người có loại vi khuẩn đặc biệt để thực hiện chuyển hóa này). Glycitein có tác dụng yếu nhất.
Tối đa hóa hiệu quả của isoflavon là ưu tiên nhắm tới hàm lượng genistein và tiếp đến là daidzein/S-equol.
Isoflavone đậu nành có gì đặc biệt?
Isoflavone có cấu trúc tương tự 17β-estradiol (là estrogen nội sinh) nên nó có khả năng gắn kết với các thụ thể estrogen và bắt đầu phát huy đặc tính. Tuy nhiên, Isoflavone cho đáp ứng estrogen yếu hơn 17β-estradiol (Genistein – sản phẩm chuyển hóa chính của Isoflavone – có hoạt tính estrogen chỉ bằng 35% hoạt tính của 17β-estradiol).
Isoflavone đậu nành có đồng thời 2 đặc tính là: estrogen và kháng estrogen.
- Đặc tính estrogen: Ở tình trạng ngừng tiết estrogen (thời kỳ mãn kinh), Isoflavone sẽ gắn kết với các thụ thể estrogen gây tăng hoạt tính của estrogen và do đó giúp giảm các triệu chứng của tình trạng tiền mãn kinh do thiếu hụt estrogen gây ra.
- Đặc tính kháng estrogen: Khi lượng estrogen ở mức cao (trong thời kì tiền mãn kinh hoặc tiền kinh nguyệt -PMS), Isoflavone cạnh tranh gắn kết với thụ thể estrogen. Do có đáp ứng estrogen yếu hơn 17β-estradiol nên việc cạnh tranh này giúp giảm toàn diện hoạt tính của estrogen, dẫn tới giảm các triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh, và tiền kinh nguyệt
Isoflavone – lựa chọn điều trị an toàn cho phụ nữ
Sự thay đổi/giảm đột ngột của estrogen nội sinh trong cơ thể phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh gây ra những xáo trộn bên trong cơ thể như: lo lắng, hồi hộp, tính tình thất thường; thay đổi về da, hệ thống xương và các chức năng sinh lý của phụ nữ cũng suy giảm đột ngột. Sự giảm đột ngột estrogen trong thời kỳ kinh nguyệt cũng khiến không ít chị em gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt với những khó chịu không kém.
Để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu này thì biện pháp tối ưu là làm sao để tăng hoạt động của estrogen khi estrogen tự nhiên trong cơ thể giảm và điều hòa lại khi estrogen ở mức cao.
Isoflavone đậu nành và liệu pháp thay thế hormone (HRT) cùng chung một cơ chế là tăng hoạt động của estrogen để làm giảm các triệu chứng mãn kinh, nhưng có hai điểm khác biệt chính:
- Isoflavone có đặc tính kháng estrogen để điều hòa hoạt động của estrogen
- Isoflavone gắn kết chọn lọc với thụ thể phụ estrogen β (ERβ) nhiều hơn gấp 20-30 lần so với thụ thể Erα (thụ thể ERα có nhiều ở mô vú, nội mạc tử cung). Đồng thời ái lực của Isoflavone trên thụ thể Erα thấp hơn 500-10000 lần so với sử dụng estrogen trong HRT.
Điều này có nghĩa là Isoflavone có tác dụng làm giảm các triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh nhưng không làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ trên mô vú và tử cung. Còn Estrogen tổng hợp được sử dụng trong HRT không có đặc tính điều hòa kháng estrogen và có tác dụng trên cả thụ thể ERβ và Erα, tạo nên các tác dụng nội tiết tại buồng trứng, vú; làm tăng nguy cơ hình thành khối u tại cơ quan này.
Isoflavone đậu nành chỉ cho tác dụng estrogen nhẹ nhưng an toàn hơn liệu pháp thay thế hormone. Chính vì vậy, đây là lựa chọn điều trị hiệu quả và an toàn cho phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh.
Phân tích 9.514 bệnh nhân bị ung thư vú cho thấy sử dụng đậu nành không có tác dụng phụ đối với mô vú. Hơn nữa, sử dụng đậu nành làm giảm 25% sự xuất hiện khối u trong thời gian theo dõi hơn bảy năm.
Sử dụng Isoflavone như thế nào để có hiệu quả và an toàn?
Lựa chọn đúng Isoflavone đã tiêu chuẩn hóa. Mỗi nhà sản xuất sẽ đưa ra tiêu chuẩn riêng cho loại Isoflavone được chiết xuất và tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên loại Isoflavone đó để đưa ra được liều khuyến cáo sử dụng phù hợp nhất. Tiêu chuẩn của loại Isoflavone thường được dựa trên tỷ lệ daidzein:genistein, do đó người tiêu dùng cần chú ý khi lựa chọn các sản phẩm sử dụng để đạt hiệu quả như mong muốn.
Các nghiên cứu cho thấy sử dụng genistin/ein với hàm lượng trên mức trung bình 18,8mg/ngày làm giảm tần số cơn bốc hỏa hơn 2,33 lần so với các nghiên cứu sử dụng genistin/ein ở hàm lượng dưới mức trung bình.
Sử dụng đủ liều: trong các nghiên cứu đã tiến hành, liều trên 50 mg/ngày isoflavone tiêu chuẩn hóa được cho là có hiệu quả điều trị các triệu chứng thực thể như bốc hỏa, ra mồ hôi về đêm.
Bên cạnh tác dụng cải thiện các triệu chứng thực thể, người ta còn quan tâm tới các lợi ích lâu dài của hoạt chất này đối với sức khỏe tim mạch cũng như phòng ngừa loãng xương ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
Một nghiên cứu phân tích gộp tiến hành năm 2008 gồm 10 nghiên cứu lâm sàng đánh giá hiệu quả của isoflavone đậu nành đối với mật độ xương cũng như mức độ khoáng hóa xương trên 608 phụ nữ mãn kinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả giảm rõ mức độ mất xương, tăng khoáng hóa xương chỉ thấy ở liều dùng Isoflavone ≥ 80 mg/ngày. Tương tự như vậy, tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần, triglyceride máu của isoflavone cũng chỉ được ghi nhận rõ với mức liều ≥ 80 mg/ngày.
Dựa vào các bằng chứng này, người ta cho rằng nên dùng tối thiều 80 mg isoflavone mỗi ngày đối với phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh để đạt hiệu quả cải thiện các triệu chứng thực thể đồng thời có lợi ích lâu dài bảo vệ tim mạch, phòng ngừa loãng xương
Cách dùng phù hợp. Sự chuyển hóa isoflavone đậu nành trong đường tiêu hóa thành dạng dễ hấp thu hơn, có hiệu quả tốt hơn phụ thuộc vào một loại vi khuẩn đặc biệt trong ruột non (probiotics) cũng như lượng chất xơ có trong chế độ ăn. Do vậy lời khuyên khi sử dụng isoflavone đậu nành là:
- Bổ sung chất xơ, probiotics ( ví dụ sữa chua) trong chế độ ăn
- Nên uống vào một thời điểm nhất định trong ngày, nên uống vào buổi tối (có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh)
Theo Tiến sĩ David Cannata
Phụ trách khoa Sinh lý bệnh & Sinh học – Trường Đại Học Deakin, Australia
Tìm hiểu thêm về những loại thảo dược tốt cho sức khỏe phái nữ:
Ý kiến của bạn