Tiền mãn kinh có thai không? Thông thường, chúng ta đều nghĩ bước vào tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, người phụ nữ sẽ không thể mang thai nữa. Nhưng sự thật có phải như vậy không?
Tiền mãn kinh còn gọi là giai đoạn chuyển đổi mãn kinh, là giai đoạn trước khi người phụ nữ mãn kinh thực sự. Giai đoạn này hormone Estrogen có sự biến thiên lên xuống thất thường (khác với thời kỳ mãn mãn kinh, hormone Estrogen suy giảm mạnh).
Những triệu chứng điển hình của thời kì tiền mãn kinh là: chu kì kinh thất thường, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, giảm ham muốn tình dục, vv.
Tiền mãn kinh có thai không?
Câu trả lời là CÓ.
Mặc dù tỉ lệ có thai trong giai đoạn này khá thấp nhưng chỉ cần có kinh nguyệt (tức là trứng vẫn rụng) thì vẫn có khả năng có thai. Như ta đã nói ở trên, trong giai đoạn tiền mãn kinh, chu kì kinh nguyệt chỉ bị rối loạn chứ chưa dừng hẳn (như thời kì mãn kinh).
Năm 2008, tại Scotland đã có một cuộc khảo sát về tỷ lệ phá thai của phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, theo đó: Tỷ lệ phá thai của phụ nữ trên 40 tuổi là 2,2/1000 phụ nữ. Tại Anh và xứ Wales, tỉ lệ phá thai ngoài ý muốn là 4/1000 ở phụ nữ trong khoảng 40-44 tuổi, tương đương với tỷ lệ phụ nữ mang thai dưới 16 tuổi.
Theo nhiều báo cáo khoa học, ở tuổi 40-45, tỷ lệ phụ nữ thụ thai mỗi năm là 10%; ở tuổi 45-49, tỷ lệ này là 2-3%; trên 50 tuổi phụ nữ vẫn có thể có thai nhưng tỉ lệ rất thấp.
Nguy cơ về sức khoẻ khi mang thai muộn
Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh có nhiều khả năng gặp cả những biến chứng nhỏ và lớn sau khi thụ tinh, mang thai và sinh con. Phụ nữ mang thai và sinh con khi đã lớn tuổi có thể gặp một số vấn đề sức khỏe gây nguy hiểm cho thai kì, nguy cơ về sức khỏe thai nhi và nguy cơ này sẽ tăng lên theo độ tuổi. Một số vấn đề thường gặp khi phụ nữ mang thai muộn đó là:
Đối với thai nhi.
- Tăng nguy cơ dị tật thai nhi, những bệnh về rối loạn di truyền hay dị tật bẩm sinh sẽ tăng nguy cơ theo độ tuổi của người mẹ
- Con có nguy cơ mắc nhiều chứng rối loạn như: tỷ lệ mắc chứng tự kỷ tăng gấp 3 lần, nguy cơ mắc chứng tăng động, giảm khả năng chú ý tăng gấp 13 lần, nguy cơ mắc rối loạn tâm thần cao gấp 2 lần, vv.
- Con dễ lệch lạc giới tính
Đối với người mẹ.
- Các chứng bệnh như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp và tiền sản giật phổ biến hơn ở những thai phụ lớn tuổi
- Các vấn đề về thai kì như: sảy thai, thai chết lưu, sinh non, sinh con thiếu cân, tử vong chu sinh cũng thường gặp hơn ở những thai phụ đã bước vào tuổi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
- Thường phải mổ lấy thai
Nên làm gì nếu muốn sinh con ở độ tuổi tiền mãn kinh?
Với những cặp vợ chồn thực sự muốn có con khi đã lớn tuổi, nên lưu ý đặc biệt đến những vấn đề sau:
- Làm các xét nghiệm cần thiết theo tư vấn của bác sĩ (như men gan, đường huyết, mỡ máu, gene, nhiễm sắc thể, các bệnh truyền nhiễm,…)
- Kiểm tra huyết áp và cholesterol để đánh giá trình trạng sức khỏe tim mạch
- Kiểm tra nội tiết tố để biết chất lượng trứng và làm tinh dịch đồ đồ kiểm tra số lượng và tinh trạng của tinh trùng
- Chụp tử cung vòi trứng xem có dấu hiệu bất thường hay không (tránh trường hợp chửa trứng hoặc mang thai ngoài dạ con)
- Kiểm tra tính di tuyền và xin ý kiến của bác sĩ nếu trong gia đình có người bị bệnh di truyền
- Trong trường hợp đang bị bệnh mãn tính hay đang dùng thuốc theo chỉ định, cần có sự hướng dẫn của bác sĩ bởi một số loại thuốc có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng
- Các ông bố cần hạn chế và từ bỏ thuốc lá hay các chất kích thích nếu muốn có con, nhất là khi đã lớn tuổi
- Cả bố và mẹ cần bổ sung dinh dưỡng giàu axit folic và vitamin C để tăng cường chất lượng tinh trùng.
Đặc biệt, phụ nữ lớn tuổi khi có ý định sinh con cần được bác sĩ tư vấn để biết trước những nguy cơ và chuẩn bị tâm lý, sức khỏe bởi chắc chắn rằng quá trình mang thai, sinh nở sẽ vất vả hơn bình thường.
Tránh thai tuổi tiền mãn kinh
Nếu không muốn có con ở độ tuổi tiền mãn kinh, thì khi bước vào thời kì này và khi kinh đã tắt được một thời gian ngắn, bạn vẫn nên áp dụng các biện pháp tránh thai. Sau khi mãn kinh được trên một năm thì có thể ngừng tránh thai.
Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, phương pháp tính ngày an toàn không còn đảm bảo nữ vì lúc này chu kì kinh nguyệt có sự rối loạn thất thường, mất tính quy tắc. Dưới đây là một số biện pháp tránh thai cho tuổi tiền mãn kinh:
- Dùng thuốc tránh thai. Một số loại thuốc tránh thai gây bất lợi cho sức khỏe mà phụ nữ tuổi trên 40 không nên dùng, vậy nên sử dụng thuốc tránh thai cần có sự tham khảo của bác sĩ chuyên khoa.
- Triệt sản. Thắt ông dẫn trứng ở vợ hoặc thắt ống dẫn tinh ở chồng.
- Phương pháp barrier (màng ngăn + thuốc diệt tinh trùng, thuốc diệt tinh trùng, bao cao su nam và nữ). Phương pháp này sử dụng thường xuyên và đúng cách có thể giúp tránh thai hiệu quả lên tới 95-98%
- Đặt vòng. Phương pháp này có hiệu quả rất tốt với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên phụ nữ tiền mãn kinh thường bị rối loạn kinh nguyệt, việc đặt vòng tránh thai có thể gây ra một số phản ứng phụ khiến việc rối loạn kinh nguyệt trở nên nặng hơn. Nếu bạn bước vào thời kì tiền mãn kinh mà kinh nguyệt không thay đổi nhiều, âm đạo không chảy máu thì có thể giữ vòng tránh thai đến sau khi mãn kinh 1 năm.
Trên đây là những vấn đề cơ bản liên quan tới việc có thai ở độ tuổi tiền mãn kinh. Mọi vấn đề còn thắc mắc về thời kì tiền mãn kinh, mãn kinh cũng như về việc tiền mãn kinh có thai không, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi hoặc để lại bình luận để các chuyên gia giải đáp cụ thể nhé!
Ý kiến của bạn