Đau nửa đầu – Những điều cần biết

Trong suốt cuộc đời mỗi người không thể tránh khỏi những cơn đau đầu. Cơn đau đầu có thể chỉ là một phản ứng tâm lý, có thể là một triệu chứng biểu hiện của một bệnh nhiễm trùng nào đó. Nhưng đau nửa đầu hay bệnh Migraine là một bệnh đau đầu thực thụ, nguyên phát do căn nguyên mạch máu sọ não với tính chất và mức độ đau trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Bệnh mang tính gia đình – di truyền, thường khu trú ở một bên đầu, diễn biến có chu kỳ với các dấu hiệu lâm sàng đa dạng phức tạp.

Đau nửa đầu – Những điều cần biết 1

Đau nửa đầu có thể gặp ở những đối tượng nào?

Đau nửa đầu là bệnh mang tính chất di truyền, phổ biến nhất trong các chứng bệnh đau đầu căn nguyên mạch máu, chiếm tỷ lệ 15% các chứng đau đầu chung và chiếm khoảng 6-18% dân số thế giới.

Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng hay gặp hơn ở những người lao động trí óc; gặp ở nữ giới nhiều hơn nam, ¾ các trường hợp đau nửa đầu gặp phải ở phụ nữ. Tính chất, mức độ đau nửa đầu ở nữ giới cũng trầm trọng hơn nam giới.

Mặc dù tỷ lệ thấp hơn nhưng đau nửa đầu có gặp ở trẻ em. Khoảng 4% bênh nhân dưới 15 tuổi bị đau nửa đầu và gần ½ người trưởng thành bị đau nửa đầu đã mắc bệnh từ trước tuổi dậy thì.

Với bệnh nhân đau nửa đầu, dù nam hay nữ thì những yếu tố nội tiết, tâm thần, tiêu hóa, dị ứng có thể đóng vai trò làm bùng lên cơn đau nửa đầu. Ở một số bệnh nhân, cơn đau đầu có thể xảy ra do yếu tố khí hậu, nhất là đợt gió mùa, báo bão, báo mưa…

Đau nửa đầu có thể gặp ở những đối tượng nào? 1

Dấu hiệu bùng phát cơn đau nửa đầu là gì?

Các triệu trứng đầu tiên, thường xuất hiện trước một ngày hoặc vài giờ báo hiệu có cơn đau nửa đầu sắp diễn ra như:

  • Thay đổi về khẩu vị ăn uống: Chán ăn hoặc đột ngột thèm ăn, rối loạn tiêu hóa (chướng bụng, đầy hơi, ngang dạ)
  • Thay đổi về khí sắc: trầm cảm hay khoái cảm
  • Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, ngủ gà, dễ cáu gắt
  • Rối loạn thị giác: bệnh nhân như nhìn thấy một vệt tối có vân tia sáng viền thành hình ngoằn ngèo, lấp lánh. Sau đó những hình ảnh này mất đi để lại một khoảng trống hoặc bệnh nhân có cảm giác như nhìn qua một hình mờ…
  • Rối loạn cảm giác: cảm giác kiến bò, mất cảm giác, bàn tay sử dụng khó khăn…
  • Rối loạn ngôn ngữ: quên từ, loạn ngôn, bịa tiếng

Cơn đau nửa đầu diễn ra thế nào?

Cơn đau có thể nhanh chóng trở nên dữ dội trong vòng 4-6h, thường bắt đầu bằng cảm giác đau 1 bên đầu, từ thái dương hoặc chẩm rồi lan ra trán, mắt và toàn bộ đầu. Bệnh nhân thấy khó chịu, đau khi chải đầu. Vị trí đau có thể thay đổi nhưng thường đau nặng hơn về một bên với tính chất đau nặng nề, khó chịu, đau nẩy theo mạch đập đồng thời với nhịp tim, đau thấy chội lên trong hộp sọ, thậm chí đau đến mức bệnh nhân có cảm giác như đầu bị bung ra…

Bệnh nhân cần nghỉ trong phòng, yên nặng và tránh ánh sáng vì ánh sáng có thể khiến cảm giác đau đầu trầm trọng hơn. Đau đầu ít khi kéo dài quá 6 tiếng nhưng có một số trường hợp đau kéo dài tới 12-24h. Cơn đau thường giảm sau khi bệnh nhân nôn, đi tiểu nhiều.

Sau cơn đau nửa đầu, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, đi tiểu nhiều, toát mồ hôi, đau đầu ê ẩm.

Cơn đau nửa đầu diễn ra thế nào? 1

Đau nửa đầu ở phụ nữ

Ngoài tỷ lệ phụ nữ bị đau nửa đầu nhiều hơn nam giới thì tính chất đau nửa đầu của phụ nữ cũng trầm trọng hơn. Cơn đau của phụ nữ thường kéo dài hơn và đau mãn tính thường xuyên hơn nam giới.

Các cơn đau nửa đầu nghiêm trọng và thường xuyên thường liên quan đến những thay đổi về nồng độ estrogen. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa các hormon với chứng đau nửa đầu, nhưng không phải tất cả các chứng đau nửa đầu đều là do nội tiết tố.

Đau nửa đầu ở thời kỳ kinh nguyệt

Đau nửa đầu kinh nguyệt thường xảy ra tối đa 2 ngày trước hoặc 3 ngày sau khi có kinh nguyệt. 7-19% phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu kinh nguyệt trong đó 60% những phụ nữ này cũng bị chứng đau nửa đầu vào những thời điểm khác trong tháng.

Các cơn đau nửa đầu kinh nguyệt có thể khác với các cơn đau nửa đầu diễn ra vào thời gian khác với thời gian đau, mức độ đau trầm trọng hơn và đáp ứng với điều trị kém hơn. Các biến động về nội tiết tố, đặc biệt là lượng estrogen giảm trong thời gian này được cho là yếu tố kích hoạt cơn đau nửa đầu.

Đau nửa đầu kinh nguyệt thường được điều trị bằng các loại thuốc tương tự được sử dụng cho các loại chứng đau nửa đầu khác. Nếu chứng đau nửa đầu kinh nguyệt của phụ nữ nghiêm trọng và không phản ứng với thuốc thông thường thì thuốc tránh thai nội tiết tố có thể được coi là một lựa chọn điều trị.

Đau nửa đầu ở thời kỳ kinh nguyệt 1

Sử dụng thuốc tránh thai nội tiết

Ảnh hưởng của biện pháp tránh thai nội tiết tố đến đau nửa đầu thay đổi tùy từng đối tượng. Một số người nhận thấy họ bị đau đầu ít hơn, trong khi những người khác bị đau nhiều hơn, và một số người thấy không có tác dụng gì cả.

Một số trường hợp, thuốc tránh thai có thể kích hoạt cơn đau nửa đầu đầu tiên của phụ nữ, đặc biệt với trường hợp có tiền sử gia đình bị đau nửa đầu.

Thuốc tránh thai có thể được dùng để điều trị đau nửa đầu kinh nguyệt nặng. Tuy nhiên, cần cân nhắc những lợi ích và rủi ro mà biện pháp này mang lại. Chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ thăm khám trực tiếp.

Thời kỳ mang thai và cho con bú

Một số loại thuốc đau nửa đầu có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và có thể gây hại cho thai nhi. Chính vì vậy, nếu có kế hoạch mang thai hay đã mang thai, phụ nữ cần tới bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Khi mang thai, nồng độ estrogen và Progesteron tăng cao trong suốt thai kỳ. Đó có thể là lý do khiến 60% người mang thai thấy chứng đau nửa đầu của họ cải thiện đáng kể trong ba tháng đầu, và hơn 75% thấy tình trạng đau nửa đầu được cải thiện, thậm chí biến mất trong suốt thời kỳ mang thai của họ. Tuy nhiên, có khoảng 15% các trường hợp chứng đau nửa đầu có biểu hiện trầm trọng hơn trong tam cá nguyệt đầu tiên và khoảng 25% không thấy thay đổi gì. Khi chứng đau nửa đầu vẫn diễn ra trong thai kỳ, bà bầu cần tới bác sĩ để thăm khám cụ thể.

Thông thường, sau sinh bệnh nhân sẽ trở lại dạng đau nửa đầu như trước khi mang thai.

Thời kỳ mang thai và cho con bú 1

Thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh

Chứng đau nửa đầu thường trầm trọng hơn trong thời kỳ tiền mãn kinh, khi mà nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ biến thiên lên xuống thất thường. Nhưng tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu giảm đáng kể trong thời kỳ mãn kinh, khi kinh nguyệt kết thúc và kích thích tố ngừng biến động.

Chứng đau nửa đầu cải thiện hoặc biến mất hoàn toàn ở 67% bệnh nhân mãn kinh. Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên thường thấy triệu chứng đau nửa đầu của họ cải thiện đáng kể, trong khi những phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh phẫu thuật thường bị nhiều hơn.

Thời kỳ sau mãn kinh

Tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu giảm rõ rệt sau tuổi từ 60 đến 7,5% ở phụ nữ lớn tuổi. Rất ít người bị đau nửa đầu sau 65 tuổi. Nếu có tình trạng đau nửa đầu thì bệnh nhân cần tới bác sĩ thăm khám để xác định nguyên nhân cụ thể.

Do tính di truyền của đau nửa đầu thường bắt nguồn từ người mẹ nên sẽ tác động lâu dài đến thế hệ mai sau. Chính vì vậy, phụ nữ cần được thăm khám và điều trị kịp thời tại các chuyên khoa thần kinh nếu có hiện tượng đau nửa đầu.

Thời kỳ sau mãn kinh 1

Dự phòng đau nửa đầu thế nào?

Bệnh đau nửa đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Bệnh có nguồn gốc sâu xa từ yếu tố di truyền, cho tới nay chưa có phương pháp nào điều trị được khỏi bệnh hoàn toàn. Các phương pháp điều trị hiện nay chỉ nhằm giảm tần số cơn đau, giảm cường độ, giảm số giờ đau mỗi cơn và giảm các triệu chứng kèm theo cơn.

Thưc hiện các biện pháp để phòng tránh cơn đau là việc làm cần được ưu tiên thực hiện. Các biện pháp dự phòng có thể kể tới như:

  • Giữ tâm lý thoải mái, tránh lo âu, muộn phiền; hạn chế sử dụng các chất kích thích gây căng thẳng thần kinh
  • Không nên làm việc cần hoạt động trí óc quá mức, không lao động quá sức về thể lực
  • Giữ phong cách sống lành mạnh: tập thể dục vừa sức hàng ngày; tránh xa rượu, bia, thuốc lá, cà phê, huốc phiện…
  • Tránh các tác nhân gây dị ứng
  • Tránh gặp các trấn thương, đặc biệt là trấn thương ảnh hưởng tới não bộ
  • Ở các bệnh nhân nữ bị đau nửa đầu cần dự phòng cơn đau xuất hiện trong những thời kỳ có sự thay đổi về nội tiết như: thời kỳ đầu dậy thì, thời kỳ hành kinh, thời kỳ tiền mãn kinh.

Đau nửa đầu là bệnh mang tính chất di truyền, gây ra nỗi ám ảnh lớn đối với người bệnh. Quá trình điều trị hiện mới dừng lại ở việc cải thiện triệu chứng. Với những cơn đau nửa đầu nhẹ, có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường để giúp người bệnh vượt qua dễ dàng hơn. Với những trường hợp đau nửa đầu nặng mà dùng thuốc giảm đau không có hiệu quả thì cần tới bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Dự phòng đau nửa đầu bằng cách cải thiện chất lượng cuộc sống là điều cần thiết.

Theo: https://migraineresearchfoundation.org

PGS. Vũ Quang Bích – Bệnh đau nửa đầu và đau đầu từng chuỗi – NXB Y học 2002

Theo Hregulator.net

Ý kiến của bạn