Rối loạn nội tiết tố nữ có thể gây ra hậu quả gì?

Rối loạn nội tiết tố nữ có thể gây ra hậu quả gì? 1

Bạn có thể không nhận ra mình bị mất cân bằng nội tiết tố, nhưng những ảnh hưởng của nó có thể thể hiện trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, và nếu không được điều trị, nó có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm.

Rối loạn nội tiết tố nữ là gì?

Rối loạn nội tiết tố là tình trạng xảy ra khi hệ thống nội tiết hoạt động không chính xác, gồm 3 tình trạng chính:

  1. Sản xuất thiếu một loại hormone nào đó;
  2. Sản xuất quá mức một loại hormone nhất định;
  3. Trục trặc trong việc sản xuất hormone hoặc khả năng hoạt động chính xác của nó;

Hệ thống nội tiết là hệ thống có nhiệm vụ sản xuất các loại nội tiết tố (hormone) nhằm cung cấp một hệ thống liên lạc nội bộ giữa các tế bào nằm ở các bộ phận xa nhau của cơ thể.

Nội tiết tố nữ được sản xuất chủ yếu trong buồng trứng, hoàng thể và nhau thai. Ngoài ra, một lượng nhỏ cũng được sản xuất bởi các cơ quan khác ngoài hệ thống sinh sản, như gan, tim, da, não, mô mỡ.

Rối loạn nội tiết tố nữ là gì? 1

Rối loạn nội tiết tố là tình trạng xảy ra khi hệ thống nội tiết hoạt động không chính xác (Ảnh minh họa)

 

Hậu quả của rối loạn nội tiết tố nữ

Nám da

Nám da là một rối loạn chức năng sinh hắc sắc tố ở người, dẫn đến chứng tăng sắc tố da mãn tính tại chỗ. Biểu hiện của nám da là các mảng dát nâu không đều, không có bờ, phân bố đối xứng trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trên mặt. Nám da thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nám da, một trong số đó là do sự rối loạn nội tiết tố nữ.

Theo các nghiên cứu về nám da, người ta nhận thấy rằng mức độ tăng cao của estrogen và progesterone (mức tăng thấp hơn) có liên quan đến việc tăng sắc tố da. Đặc biệt là estrogen, nó có thể điều chỉnh sắc tố da bằng cách kích thích các tế bào hắc sắc tố và các yếu tố tạo sắc tố như tế bào sừng, nguyên bào sợi, điều hòa sự bài tiết của tế bào nội mô,…

Tuy nhiên, rối loạn nội tiết tố nữ không thể độc lập gây ra tình trạng nám da mà nó cần kết hợp với tia UVB trong ánh nắng mặt trời. Estrogen + progesterone + UVB gây ra sự chuyển hóa melanosome (hiểu nôm na là các túi chứa hắc sắc tố melanin, số lượng melanin trong mỗi melanosome là thứ quyết định màu da của chúng ta). Khi nồng độ estrogen và progesterone bị rối loạn tăng cao, gặp tia UVB trong ánh nắng mặt trời sẽ gây ra tăng sản xuất melanin trong các melanosome, từ đó dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da, gây nám.

Nám da không điều trị tận gốc sẽ phát triển nhanh và lan rộng tạo thành những mảng nám to và đậm màu.

Nám da 1

Hình ảnh một phụ nữ bị nám da ở má

 

Mụn trứng cá dai dẳng

Rối loạn nội tiết tố là một trong những nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá dai dẳng. Loại mụn này còn được gọi với cái tên phổ biến là mụn nội tiết. Mụn nội tiết không phải là một thuật ngữ được sử dụng trong nghiên cứu y tế hoặc các bác sĩ, nhưng nó thường được gọi trong các bài viết để nói về loại mụn phát triển dưới những thay đổi của nội tiết tố.

Mụn nội tiết xảy ra do sự thừa androgen (testosterone). Cụ thể như sau:

Testosterone là một hormone giới tính nam, nhưng nó cũng được sản xuất một lượng nhỏ ở nữ giới. Sự gia tăng nồng độ androgen này có thể kích thích hoạt động của tuyến bã nhờn khiến nó tiết nhiều dầu hơn, làm thay đổi hoạt động của tế bào da khiến các tế bào chết không bong ra mà tích tụ lại trong các cổ nang lông. Dầu thừa cộng với tế bào chết gây ra sự bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện phát triển cho một loại vi khuẩn kị khí có tên là Propionibacterium acnes (P.acnes hay C.acnes).

Khi số lượng vi khuẩn bùng phát quá lớn, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ “cử” các tế bào bạch cầu tới đề “tiêu diệt” kẻ ngoại xâm này. Quá trình này gây ra phản ứng viêm và tạo thành mụn trứng cá.

Chính vì thế, mụn nội tiết thường xảy ra ở những giai đoạn mà estrogen và testosterone bị giảm xuống ở mức thấp, khiến testosterone chiếm ưu thế:

– Trong chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài trong 28 ngày (bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh và kết thúc một ngày trước kỳ kinh tiếp theo) và nội tiết tố lại của chúng ta sẽ thay đổi trong suốt cả chu kì này.

Ngay trước khi bắt đầu hành kinh, cả estrogen và progesterone đều giảm xuống ở mức thấp nhất. Tại thời điểm này, testosterone là hormone chiếm ưu thế cao hơn so với các hormone nữ. Điều này có thể dẫn đến mụn nội tiết.

– Khi mang thai. Mang thai cũng là một trong những thời điểm có sự dao động mạnh của nội tiết tố toàn cơ thể. Hơn một nửa phụ nữ mang thai bị các vấn đề về mụn trứng cá và những người vốn đã dễ bị mụn trứng cá là những người có khả năng gặp phải vấn đề này cao nhất khi mang thai.

– Thời kì mãn kinh. Nhiều phụ nữ cho biết họ gặp các vấn đề về da khi bước vào thời kỳ mãn kinh, như: khô, phát ban, tăng độ nhạy cảm và thậm chí là bị mụn bọc. Cũng như chu kỳ kinh nguyệt và mang thai, mụn trứng cá ở giai đoạn này cũng có thể là do sự dao động của hormone.

Khi thời kỳ mãn kinh bắt đầu, cơ thể người phụ nữ trải qua những thay đổi sâu sắc. Các hormone estrogen và progesterone được sản xuất với số lượng ngày càng ít đi. Điều này khiến các tế bào da mất khả năng lưu giữ độ ẩm theo thời gian, chu kì thay da ngày càng kéo dài hơn, da mất nhiều thời gian để chữa lành hơn,… Tất cả những điều này khiến da trở nên mỏng hơn và kém đàn hồi hơn, kết quả là trở nên nhạy cảm hơn, khô và dễ bị mụn.

Mụn trứng cá dai dẳng 1

Rối loạn nội tiết tố là một trong những nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá dai dẳng (Ảnh minh họa)

 

Khô âm đạo

Khô âm đạo là một trong những triệu chứng rất thường gặp khi phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố. Tuy không phải là một triệu chứng nguy hiểm nhiều về sức khỏe nhưng nó lại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình của các cặp vợ chồng.

Khô âm đạo được định nghĩa là sự giảm khả năng bôi trơn sinh lý của bề mặt âm đạo ở phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu gây ra khô âm đạo là do sự suy giảm hàm lượng estrogen.

Dịch bôi trơn âm đạo và độ ẩm âm đạo được duy trì do sự chuyển hóa glycogen. Đại phân tử này được lưu trữ trong các tế bào biểu mô âm đạo bởi các loài Lactobacillus – hệ thực vật bình thường ở âm đạo. Khi thiếu hụt estrogen, nó gây ra rối loạn chức năng tế bào biểu mô âm đạo, bao gồm giảm dự trữ glycogen, ít khả năng axit hóa dịch âm đạo và giảm sản xuất chất bôi trơn âm đạo, từ đó gây ra tình trạng khô âm đạo ở phụ nữ.

Vô sinh

Các hormone nữ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản của nữ giới, đặc biệt là các hormone kiểm soát chu kì kinh nguyệt, như: estrogen, progesterone, FSH, LH,…

Để có thai, các hormone này phải báo hiệu và điều chỉnh sự phát triển của trứng trong buồng trứng, giải phóng trứng trưởng thành, làm dày niêm mạc tử cung,… Sự vắng mặt hoặc số lượng không đồng đều của các hormone sẽ làm trì hoãn hoặc gián đoạn các quá trình này, hay nói cách khác là ngăn cản sự thụ thai, khiến việc mang thai khó đạt được.

Bên cạnh đó, rối loạn nội tiết tố còn kéo theo nguy cơ phát sinh các căn bệnh về thận, tuyến giáp, tuyến yên,… điều này cũng làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới.

Vô sinh 1

Rối loạn nội tiết tố nữ có thể gây vô sinh ở nữ giới (Ảnh minh họa)

Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần

Nội tiết tố nữ có những tác động đáng kể đến việc điều chỉnh tâm trạng và sức khỏe tâm thần của nữ giới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hormone sinh sản như progesterone, estrogen và testosterone có ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh não và điều tiết một số chất hóa học điều chỉnh tâm trạng trong não, như serotonin – một loại homrone hạnh phúc.

Vì thế, khi nội tiết tố bị rối loạn, nó sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của phụ nữ. Thậm chí, một số phụ nữ nhạy cảm với sự dao động hormone đến mức họ bị trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng cực độ. Kết quả có thể nghiêm trọng đến mức tâm trạng của họ giống như những thay đổi trong hội chứng rối loạn lưỡng cực.

Giải pháp cân bằng nội tiết tố nữ

Điều trị y tế

Để điều trị rối loạn nội tiết tố nữ, cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên, về cơ bản, các phương pháp điều trị thường gồm:

  • Liệu pháp estrogen
  • Estrogen âm đạo
  • Kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố
  • Thuốc chống androgen
  • Thuốc Metformi
  • Thuốc Flibanserin (Addyi) và bremelanotide (Vyleesi)
  • Kem Eflornithine (Vaniqa)

Các biện pháp tự nhiên

Song song với việc điều trị y tế, bạn có thể thực hiện một số biện pháp tự nhiên để giúp cân bằng nội tiết tố. Chẳng hạn như:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các chất dinh dưỡng; hướng tới ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại thực phẩm giàu phytoestrogen, tiêu thụ chất béo lành mạnh. Hạn chế ăn đường, muối, các chất béo bão hòa,…
  • Xây dựng giấc ngủ ổn định và chất lượng;
  • Học cách quản lý căng thẳng của bản thân, như thực hành một số kỹ thuật thư giãn: thiền, yoga, hít thở sâu, thái cực quyền,…
  • Bỏ hút thuốc lá (nếu đang hút).

Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc để sử dụng thêm một số sản phẩm bổ sung giúp giải quyết các vấn đề về nội tiết tố. Chẳng hạn như sử dụng liệu pháp bổ sung, cân bằng nội tiết tố nữ bằng thảo dược.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kì sản phẩm bổ sung nào, bạn cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ, đồng thời tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của sản phẩm. Tuyệt đối không sử dụng bừa bãi, theo cảm tính.

Kết luận

Phụ nữ chịu tác động của sự thay đổi nồng độ hormone sâu sắc hơn nam giới. Rối loạn nội tiết tố có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần ở nữ giới. Vì thế, đừng chủ quan nếu bạn gặp bất kì triệu chứng đáng ngờ nào. Nếu tình trạng của bạn không đáp ứng với việc thay đổi chế độ ăn uống vàlối sống, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Ý kiến của bạn