6 điều con gái chắc chắn sẽ trải qua ở tuổi dậy thì

Tuổi dậy là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ có nhiều biến động về tâm sinh lý và thể chất. Bài viết sau đây sẽ “bật mí” cho bạn 6 điều mà bất kỳ cô gái nào cũng sẽ trải qua ở tuổi dậy thì.

1. Thay đổi về vóc dáng cơ thể:

1. Thay đổi về vóc dáng cơ thể: 1

Bắt đầu là chiều cao, khi bạn bước vào tuổi 10,5 (cũng có thể sớm hơn một chút, tầm 9,5 tuổi), chiều cao cơ thể của bạn sẽ tăng lên rất nhanh. Vào thời kỳ cao điểm, mỗi năm bạn sẽ cao thêm 6-8 cm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đang “lớn lên” mỗi ngày. Sau đó, sự phát triển chiều cao sẽ chậm dần lại, đến khi hai đầu của ống xương khép kín lại thì bạn sẽ không cao thêm nữa. Đến khoảng 18 tuổi, chiều cao cơ thể có thể tăng khoảng 25 cm và hiếm có trường hợp cao thêm.

Khi hành kinh rồi, cơ thể phát triển bề ngang nhiều hơn trước với các đặc tính riêng của nữ như: cặp vú nhú lên, mông nở nang hơn trước, lớp mỡ dưới da dày lên…làm cho cơ thể bạn mềm mại và giàu nữ tính. Từ một em gái nhỏ, cơ thể của bạn bắt đầu có vóc dáng thiếu nữ rồi đấy.

2. Tuyến vú phát triển:

2. Tuyến vú phát triển: 1

Đến tuổi dậy thì, vú của các bạn bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, mỗi cơ thể bắt đầu phát triển ở thời điểm riêng. Vì vậy, chẳng ngạc nhiên khi ở cùng một lứa tuổi mà có bạn ngực phẳng còn bạn khác đã đầy đặn.

Dấu hiệu đầu tiên nhận biết sự phát triển của ngực là quầng vú. Đây là vùng sẫm xung quanh núm vú. Đầu tiên, quầng vú dầy lên, sẫm lại. Sau đó, bầu vú nhú lên, nhọn nhọn, lớn dần và tròn trịa dần. Trong thời gian này, ngực bạn có thể ngứa núm đầu vú hoặc đau tức một chút.

Cặp vú trưởng thành của nữ giới có cấu tạo cơ bản là mỡ. Mỡ có chức năng bảo vệ, đồng thời làm cho cặp vú được mịn màng, hấp dẫn. Bầu vú không có cơ, nhưng nó bám chắc vào cơ ngực ở trên xương sườn. Bên trong vú là hệ thống sinh sữa gồm các khoang sinh sữa trông như chùm nho và các ống dẫn hình cây nối vào ống dẫn chính đưa ra đầu vú. Khi bạn dậy thì, hệ thống tạo sữa bắt đầu phát triển nhưng chưa sản xuất sữa.

Hình dạng cấu tạo của vú cũng khác nhau ở mỗi người, có bạn ngực lớn, có bạn ngực nhỏ. Có người núm vú chĩa thẳng về phía trước, có người núm vú hướng sang hai bên, bạn vú tròn, bạn vú ngang, bạn có vài sợi lông trên vú, bạn không…bao nhiêu phụ nữ là bấy nhiêu bộ ngực khác nhau. Cũng như sắc da, vóc người mỗi người mỗi dạng, quầng vú, núm vú cũng có màu sắc và độ lớn rất đa dạng.

3. Sự phát triển của cơ quan sinh dục:

3. Sự phát triển của cơ quan sinh dục: 1

Trong thời kỳ dậy thì, cơ quan sinh dục của phát triển mạnh, không còn trông giống như các em bé gái nữa. Tất cả các bộ phận như: môi lớn, môi nhỏ, âm vật, âm đạo của bạn đều lớn lên, lông mu mọc xung quanh âm hộ và màu sắc âm hộ sẫm hơn trước. Lúc đầu chỉ lơ thơ mấy sợi, sau nhiều hơn, quăn hơn. Ngoài lông mu, bạn còn thấy mọc thêm lông chân và lông nách, số lượng ít hay nhiều cũng tuỳ thuộc vào mỗi người. Nếu bạn có nhiều lông chân hay lông nách, thậm chí có một chút ria mép thì cũng đừng băn khoăn là bạn nam tính hơn các bạn khác vì điều này không phải là yếu tố chính quy định bạn là nam hay nữ.

Bên trong cơ thể, âm đạo, tử cung cũng lớn lên. Hai buồng chứng bắt đầu thực hiện chức năng tiết hoóc môn sinh dục và phóng noãn (rụng trứng). Niêm mạc tử cung bắt đầu tăng trưởng và tự thải theo chu kỳ (hành kinh).

4. Hiện tượng kinh nguyệt:

4. Hiện tượng kinh nguyệt: 1

Bạn có thể bắt đầu hành kinh từ năm 10 tuổi và cũng có bạn đến năm 17, 18 tuổi mới diễn ra quá trình này. Chỉ khi bạn đã 18 tuổi mà không thấy xuất hiện hiện tượng kinh nguyệt thì mới là điều đáng lo và cần đi khám để bác sỹ kiểm tra.

Hiện tượng kinh nguyệt hoàn toàn là một hiên tượng sinh lý bình thường. Đó là dấu hiệu chứng tỏ bạn đã bắt đầu rụng trứng, có khả năng thụ thai và sinh con. Khi mới bắt đầu có kinh, kinh nguyệt của bạn có thể “thất thường”, sau một, hai năm mới dần ổn định. Số ngày hành kinh có thể nhiều, có thể ít, thường trong khoảng từ 3 đến 7 ngày. Lượng máu kinh cũng vậy, người nhiều, người ít.

Trong những ngày hành kinh, một số bạn gái có cảm giác khó chịu, căng tức ngực và nặng phần bụng dưới, thói quen đại tiểu tiện cũng có thể thay đổi, đau bụng kinh, đau lưng…; tâm lý nôn nóng, dễ nổi cáu, giảm tập trung, dễ thay đổi cảm xúc…Các triệu chứng này gọi là “Hội chứng tiền kinh nguyệt” và nó sẽ tự chấm dứt khi các bạn sạch kinh.

Trong thời gian này, bạn có thể chú ý quan sát những biểu hiện của mình để tự điều chỉnh và bạn cũng có thể mách nhỏ với bạn bè, người thân là bạn sắp đến “ngày” để mọi người thông cảm nhé.

5. Dịch tiết âm đạo:

5. Dịch tiết âm đạo: 1

Bước vào tuổi dậy thì, bạn sẽ thấy cơ quan sinh dục nhiều khi ướt át, quần lót có dịch dính. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Chất dịch này xuất hiện ở “cô bé” nên thường gọi là “dịch tiết âm đạo”, nhưng vì xuất xứ từ cổ tử cung nên nó còn có tên gọi là “dịch tiết cổ tử cung”. Dịch thường có màu trắng trong, trắng đục hoặc hơi ngả vàng, có thể nhiều hay ít tùy từng cơ thể.

Ở khoảng thời gian giữa của một chu kì (giữa hai đợt hành kinh), bạn cũng có thể thấy dịch tiết nhiều hơn, loãng hơn, ướt át hơn. Nó trong như lòng trắng trứng, có thể hơi hồng. Cầm giữa hai ngón tay, bạn có thể kéo dài ra được. Khi thấy dịch tiết nhiều trong khoảng thời gian này, nhiều bạn nghĩ mình bị bệnh, như vậy là nhầm đấy. Thực ra, đó là dấu hiệu báo rằng trứng sắp rụng (tức là bạn sắp đến kỳ kinh) mà thôi. Bạn đừng lo lắng nhé!

6. Sự thay đổi về tâm lý:

6. Sự thay đổi về tâm lý: 1

Rối loạn cảm xúc là một căn bệnh tâm lý hay xảy ra khi bạn đến tuổi dậy thì, bạn có thể thay đổi tâm trạng từ vui sang buồn hoặc ngược lại một cách nhanh chóng. Nguyên nhân của điều này thường là do những biến đổi ở tuổi dậy thì sẽ khiến bạn nhạy cảm hơn, dễ bị tác động bởi các áp lực trong học tập, làm việc…

Đến tuổi dậy thì, bạn cũng cảm thấy rằng mình đã lớn, không còn muốn trò chuyện hay tâm sự với bố mẹ như trước nữa. Bạn cũng không muốn bố mẹ động vào đồ đạc hay quan tâm quá nhiều đến chuyện của mình. Tuy nhiên, thật ra bạn vẫn chưa lớn hẳn đâu, đây mới chỉ là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ con và người lớn mà thôi. Bạn nên tâm sự với bố hoặc mẹ những điều mà mình đang vướng mắc, bố mẹ sẽ giúp bạn giải quyết tốt hơn đấy. Bởi vì bố mẹ cũng đã từng trải qua tuổi dậy thì như bạn mà.

Chúc bạn bước vào tuổi dậy thì với những hiểu biết thông thái!

 

Theo Hregulator.net

Ý kiến của bạn