Trầm cảm được chia thành 3 mức độ là nhẹ, vừa và nặng. Nếu bước vào giai đoạn trầm cảm nặng, bệnh sẽ trở nên khó chữa và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống cũng như sức khỏe của người mắc, đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng
Trước hết, để xác định một người có mắc bệnh trầm cảm hay không thì người đó phải có ít nhất một trong hai triệu chứng của bệnh trầm cảm cốt lõi:
- Tâm trạng buồn rầu, có thể kèm theo các triệu chứng bi quan, hay khóc trước mọi việc
- Mất động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những việc từng là sở thích trước đây
Ngoài 2 triệu chứng chính đó, bệnh trầm cảm còn gồm 7 triệu chứng liên quan đó là:
- Thay đổi khẩu vị
- Rối loạn giấc ngủ
- Dễ bị kích động
- Cảm thấy tội lỗi, thất vọng về bản thân, luôn đổ tội cho mình, cảm thấy mình không xứng đáng
- Mệt mỏi
- Mất tập trung, khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề đơn giản thường ngày
- Suy nghĩ về cái chết, có ý định tự tử
Dựa vào các triệu chứng này, người ta phân trầm cảm thành 3 loại:
- Trầm cảm nhẹ: Gồm 1 triệu chứng chính và có ít hơn 4 triệu chứng liên quan
- Trầm cảm vừa: Gồm 2 triệu chứng chính và 4 triệu chứng liên quan
- Trầm cảm nặng: Gồm 2 triệu chứng chính và bệnh nhân có hầu hết hoặc tất cả các triệu chứng liên quan. Nếu bị trầm cảm nặng, người mắc thậm chí không thể thực hiện các hoạt động đơn giản nhất trong sinh hoạt cá nhân thường ngày. Cá biệt có những trường hợp có thêm chứng hoang tưởng, ảo giác.
Nguy cơ tự sát ở người trầm cảm nặng
Hơn 50% các ca tự sát có nguyên nhân là trầm cảm. Theo thống kê, nam giới tuy ít bị trầm cảm hơn nhưng nếu rơi vào trầm cảm thì xu hướng tự sát lại cao hơn. Ý đồ tự sát của người mắc trầm cảm nhiều hơn gấp 10-20 lần hành vi tự sát. Nguy cơ cao ở những người mà bản thân hoặc người cùng huyết thống từng tự sát, nghiện rượu, trầm cảm, hoặc những người sống cô lập với xã hội. Việc tự sát có thể đột ngột hoặc có chuẩn bị từ trước.
Quy trình điều trị trầm cảm nặng
Việc điều trị trầm cảm nặng cần kéo dài và phải kết hợp rất nhiều các phương pháp khác nhau (dùng thuốc, trị liệu tâm lý, vận động, chế độ ăn uống và có thể phải nhập viện).
Việc điều trị có thể chia ra làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn tấn công. Giai đoạn này kéo dài 4-8 tuần. Đây là giai đoạn điều trị khó khăn nhất bởi người bệnh thường dễ bỏ thuốc. Đây cũng là giai đoạn điều trị mà tiến triển của bệnh không rõ ràng. Nếu bạn là người mắc, hãy cố gắng kiên trì, có thể nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, đúng liều.
- Giai đoạn có tác dụng. Tinh trạng bệnh sẽ thuyên giảm dần sau giai đoạn tấn công. Các triệu chứng sẽ ổn định sau khoảng 16-20 tuần điều trị thuốc và các liệu pháp kết hợp. Nhưng giai đoạn này chỉ đúng với những bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị và tránh các tác nhân khiến bệnh nặng thêm (áp lực tâm lý, cú sốc tâm lý, vv)
- Giai đoạn duy trì. Đây là giai đoạn cực kì quan trọng. Nhưng người bệnh thường rất hay bỏ thuốc, không tuân thủ phác đồ điều trị, bởi cảm thấy các triệu chứng đã ổn định bình thường. Chính vì thế tỉ lệ bệnh nhân tái phát trầm cảm sau điều trị khá cao. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 6 tháng nhưng có một số trường hợp giai đoạn này phải kéo dài vài năm hoặc cả đời để tránh tái phát.
Chi phí khám và điều trị bệnh trầm cảm
Trầm cảm nặng cần phải chữa trị lâu dài và phụ thuộc tình trạng cảu từng người bệnh. Chính vì thế không thể trả lời cụ thể các chi phi khám và điều trị đối với bệnh nhân bị trầm cảm nặng.
Diễn biến tiên lượng
- Bệnh trầm cảm nặng có thể khởi phát bất cứ lúc nào và ở lứa tuổi nào, nhưng thường trong khoảng 25-30 tuổi. Các triệu chứng ban đầu thường là lo âu, hốt hoảng, ám ảnh sợ, các triệu chứng trầm cảm nhẹ, chúng sẽ xuất hiện trong khoảng vào ngày đến vài tuần.
- Diễn biến của cơn tái phát trầm cảm rất khác nhau, có bệnh nhân có các đợt trầm cảm và giữa các đợt có khi lên đến hàng năm, có bệnh nhân lại bị liên tiếp nhiều cơn, có bệnh nhân về sau cơn càng dài và thời gian giữa các cơn càng ngắn.
- Cơn trầm cảm có thể phục hồi hoàn toàn, phục hồi một phần hoặc không hồi phục
- Các yếu tố sang chấn tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi phát các cơn đầu tiên hơn là các cơn sau
- Các yếu tố tiên lượng xấu bao gồm: Triệu chứng loạn thần, thời gian cơn dài, hoàn cảnh giai đình không được tốt, có các rối loạn tâm thần đi kèm có lạm dụng chất, khởi phát ở người trẻ, cơn càng về sau càng dài, phải nhập viện.
Nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh
Mãn kinh là giai đoạn quan trọng, là dấu mốc về sức khỏe của người phụ nữ. Đây là giai đoạn người phụ nữ có nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tâm sinh lý. Và một trong những vấn đề họ phải đối mặt trong giai đoạn này chính là bệnh trầm cảm.
Một nghiên cứu của đại học Harvard vào năm 2006 trên 460 phụ nữ ở độ tuổi 36-45, không có chẩn đoán trầm cảm trước đó cho kết quả:
Tỉ lệ trầm cảm tăng gấp 2 lần ở những phụ nữ đi vào thời kì mãn kinh so với những phụ nữ vẫn còn chu kì kinh nguyệt. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh là do sự biến thiên estrogen ở giai đoạn tiền mãn kinh và suy giảm estrogen ở giai đoạn mãn kinh. Đặc biệt trầm cảm có liên quan đến những phụ nữ có các triệu chứng rối loạn vận mạch.
Chính vì vậy, khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, người phụ nữ cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về giai đoạn này. Hãy tăng cường luyện tập, tham gia các câu lạc bộ, giao tiếp vui vẻ và đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực để không là nạn nhân của trầm cảm. Người thân cần bên cạnh và chia sẻ với người phụ nữ để cùng họ vượt qua giai đoạn này.
Khi bước vào thời kì tiền mãn kinh, mãn kinh người phụ nữ cần được tư vấn tâm lý để phát hiện và điều trị sớm chứng trầm cảm. Đặc biệt là những phụ nữ có các triệu chứng tiền mãn kinh rầm rộ cũng như có tình trạng hôn nhân, gia đình, kinh tế không may mắn.
Đồng thời, ở giai đoạn này, do sự biến thiên và suy giảm estrogen, người phụ nữ nên sử dụng thêm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, tăng cường estrogen. Những sản phẩm được khuyên dùng là những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, an toàn với sức khỏe, có thể sử dụng lâu dài mà không gây những tác dụng bất lợi.
Đọc thêm: Trầm cảm lo âu, trầm cảm muốn chết – Hai mức độ của bệnh trầm cảm
Ý kiến của bạn