Rối loạn thần kinh thực vật tuổi mãn kinh – Những điều cần biết

Việc ngừng sản xuất estrogen trong thời gian mãn kinh có khả năng ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống thần kinh trung ương, cũng như gây ra một số rối loạn thần kinh, bao gồm rối loạn thần kinh thực vật.

Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh gì?

Hệ thần kinh thực vật hay còn gọi là hệ thần kinh tự chủ, nó là một phần của hệ thần kinh trung ương có vai trò kiểm soát các hoạt động vô thức và điều chỉnh các chức năng của cơ thể như: nhịp tim, hô hấp, tiêu hóa, tiểu tiện, mồ hôi, phản ứng của con người, kích thích tình dục.

Rối loạn thần kinh thực vật (autonomic nervous system disorders) là một rối loạn về vai trò của hệ thống thần kinh này. Đây không phải là một căn bệnh cụ thể mà chỉ là một rối loạn làm giảm hoạt động hoặc bất thường một hay nhiều chức năng tự động của cơ thể.

Sơ đồ chi phối các cơ quan của hệ thần kinh thực vật.

Sơ đồ chi phối các cơ quan của hệ thần kinh thực vật.

Vì sao phụ nữ mãn kinh lại là đối tượng dễ mắc rối loạn thần kinh thực vật?

Ở phụ nữ, cơ quan sinh dục tiết ra một loại hormone có tên là estrogen. Estrogen có rất nhiều vai trò với toàn bộ cơ thể người phụ nữ, như:

  • Quy định, chi phối sự phát triển đặc điểm sinh dục ở nữ (mọc lông mu, phát triển vú, tăng sinh ống sữa, làm bộ phận sinh dục phát triển, vv)
  • tạo nên các đặc điểm thứ phát ở nữ như giọng nói thanh, vai nhỏ, ngực nở
  • Phối hợp với progesterone tạo nên chu kì kinh nguyệt, duy trì ham muốn sinh dục
  • Tạo điều kiện cho sự sinh sản
  • Bảo vệ tim mạch, ngừa loãng xương

Đặc biệt, estrogen còn được cho là đóng một vai trò trong cơ chế kiểm soát hệ thần kinh thực vật, cụ thể là hệ thần kinh giao cảm. Người ta nhận thấy rằng ở thời kì mãn kinh, khi estrogen suy giảm, hoạt động của hệ giao cảm tăng lên. Ngoài ra, những phụ nữ có sức khỏe yếu cũng là những đối tượng dễ bị rối loạn thần kinh thực vật.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác gây rối loạn thần kinh thực vật, đó là:

  • Hệ thần kinh thực vật bị sai lạc chức năng trên cơ sở thuần túy (như ở những năm tuổi trẻ)
  • Những tổn thương do biến đổi theo tuổi của hệ thần kinh thực vật hoặc ở trung tâm chỉ huy của não
  • Những biến đổi do bệnh lý

Những biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật tuổi mãn kinh 1Những biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật tuổi mãn kinh

Hệ thần kinh thực vật gồm hai nhánh là hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm được coi là hệ thống “chiến đấu hay chạy”, hệ thần kinh phó giao cảm thường được coi là hệ thống “nghỉ ngơi và tiêu hóa” hoặc “ăn uống và sinh đẻ”. Khi hai nhánh này mất cân bằng sẽ dẫn đến rối loạn hệ thần kinh thực vật, tùy thuộc vào từng loại rối loạn mà biểu hiện thành triệu chứng khác nhau:

  • Hệ thần kinh. Rối loạn vận mạch gây đau đầu, bốc hỏa đổ mồ hôi đêm, rối loạn tuần hoàn não, giảm trí nhớ, hay lo âu, buồn bực.
  • Tim mạch. Huyết áp tăng – giảm thất thường, nhịp tim thay đổi chậm chạp hoặc không thay đổi kịp thời với các hoạt động thể lực, hụt hơi, đau thắc ngực, thiểu năng mạch vành.
  • Hệ tiêu hóa. Làm rối loạn chức năng co bóp của dạ dày, ruột; ăn không ngon; tiêu chảy hoặc táo bón; đầy hơi; gây cảm giác nhanh no khi ăn; buồn nôn/nôn; ợ hơi.
  • Hệ tiết niệu. Tiểu khó, tiểu không tự chủ, tiểu không hết, kích thích tiểu tiện khi căng thẳng.
  • Hệ bài tiết. Rối loạn tiết mồ hôi (giảm hoặc tăng tiết quá mức), thân nhiệt nóng lạnh bất thường do khả năng điều tiết nhiệt độ bị rối loạn.
  • Hệ hô hấp. Hụt hơi, khó thở, tức ngực, tăng khi thay đổi thời tiết hoặc căng thẳng.
  • Hệ cơ – xương. Đau nhức xương khớp khi trở trời, thay đổi thời tiết.
  • Hệ sinh dục. Rối loạn tình dục, khô âm đạo, khó đạt cực khoái, rối loạn kinh nguyệt.
  • Hệ lông – tóc – móng. Rụng tóc, khô da, gãy móng tay, co giãn mạch ngoài da.
  • Biểu hiện toàn thân. Mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau mỏi cột sống, lo âu, phản ứng sinh học chậm chạp với ánh sáng, khó khăn khi lái xe vào ban đêm.

Điều trị rối loạn thần kinh thực vật ở phụ nữ mãn kinh

Rối loạn thần kinh thực vật cần điều trị dựa vào nguyên nhân và chứng bệnh gặp phải.

  • Chứng xanh tím đầu chi. Đây là loại rối loạn thần kinh thường gặp, nhưng khó chẩn đoán do dễ bị nhầm lẫn với bệnh Raynaud. Rối loạn này là do rối loạn nội tiết nên hướng điều trị là phải cân bằng được các nội tiết tố.
  • Chứng đỏ đầu chi. Triệu chứng thường gặp là có những mảng da màu đỏ tím trên ngón tay do giãn mạch máu. Bệnh thường gây ra đau ngón tay dữ dội và kéo dài. Hiện chưa có thuốc điều trị cơ bản cho chứng bệnh này, thường chỉ dùng thuốc giảm đau
  •  Bệnh Raynaud. Chứng bệnh này được đặc trưng bởi các cơn co thắt mạch tại các động mạch, dẫn đến các biểu hiện bên ngoài là da đổi màu theo từng pha co thắt, loét các đầu ngón tay. Để điều trị bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng hydergine mỗi ngày 3 lần x  5 giọt rồi tăng lên thành 3 lần x 20 giọt với liệu trình tháng tùy theo mức độ của bệnh. Trường hợp nặng có thể cần dùng theo đường tiêm. Nếu điều trị bảo tồn không có kết quả thì bác sĩ có thể phải cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh giao cảm.
  • Chứng ngón tay và ngón chân chết. Triệu chứng của chứng này là khi gặp lạnh các đầu ngón tay, ngón chân trở nên lạnh ngắt, tái nhợt như của tử thi. Phương pháp điều trị chủ yếu là chống lạnh (dùng tất tay, tất chân và tránh nước lạnh đối với tay chân)
  • Bệnh cứng bì. Những rối loạn của bệnh này cũng giống như bệnh Raynaud nên hai loại bệnh này có thể cùng xảy ra trên một người. Bệnh cứng bì thuộc  loại bệnh tạo keo nên hướng điều trị cơ bản là theo hướng đặc trị của tạo keo (ở đây chỉ nói đến điều trị những rối loạn tuần hoàn nặng). Bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật cắt bỏ dây thần kinh giao cảm trong giai đoạn sớm.
  •  Phù nề thần kinh mạch (chứng phù Quincke). Đặc trưng của chứng này là sự phù nề ban đầu ở mi mắt và mặt. Phù xuất hiện và biến mất nhanh, thoáng qua trong thời gian ngắn. Điều trị thường là tiêm tĩnh mạch calcium, dùng các loại thuốc kháng histamin và quan trọng nhất là hạn chế muối trong chế độ ăn uống.

Nhìn chung, điều trị rối loạn thần kinh thực vật là điều trị các nguyên nhân gây bệnh, hướng điều trị là nhằm thiết lập được sự cân bằng trong hệ thần kinh thực vật. Nhưng đến nay cũng mới chỉ điều trị được triệu chứng chứ chưa điều trị được tận gốc vấn đề. Thuốc thường dùng là: thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc tim mạch, thuốc làm giảm tiết mồ hôi, thuốc chữa mất ngủ và rối loạn lo âu, thuốc điều chỉnh nhu động ruột, thuốc bôi trơn âm đạo, vv. Hiện chưa có thuốc làm tăng tiết mồ hôi với trường hợp giảm tiết.

Cùng với đó là kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu: xoa bóp bấm huyệt, xông hơi, vv.

Với phụ nữ tiền mãn kinh, hãy chủ động tìm hiểu những kiến thức về thời kì này để hiểu những thay đổi của cơ thể mình. Từ đó giúp loại bỏ những tin đồn không đúng, giúp cho việc đối phó trở nên dễ dàng hơn. Mỗi phụ nữ đều cần kiểm soát được sức khỏe của chính mình để cải thiện chất lượng sống và hơn thế nữa. Chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ bạn, hãy để lại bình luận hoặc gọi điện tới số tổng đài của chúng tôi để được các chuyên gia tư vấn giải đáp một cách cụ thể  hơn.

Theo Hregulator.net

Ý kiến của bạn