Bước vào tuổi mãn kinh, do sự thay đổi hormone, phụ nữ rất dễ gặp những vấn đề liên quan tới sức khỏe, một trong số đó là rối loạn thần kinh tim. Rối loạn thần kinh tim là một rối loạn được đặc trưng bởi các triệu chứng cơ năng như: tim đập nhanh/đập chậm, khó thở, đau tức ngực, vv. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
Rối loạn thần kinh tim là gì?
Rối loạn thần kinh tim còn gọi là bệnh cường giao cảm hay rối loạn thần kinh thực vật, bệnh không do các tổn thương ở tim gây ra nhưng lại mang nhiều triệu chứng giống như bệnh tim.
Rối loạn thần kinh tim cho đến nay vẫn chưa có nguyên nhân rõ ràng, nhưng nó thường xuất hiện khi người bệnh gặp trạng thái căng thẳng, stress, lo âu, trầm cảm, suy nhược thần kinh. Ngoài ra, nó cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác:
- Nghiện thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động
- Lạm dụng rượu, cà phê, các chất kích thích
- Chế độ ăn thiếu nghèo nàn dinh dưỡng hoặc ăn thực phẩm chứa nhiều hóa chất độc hại
- Sử dụng một số loại thuốc trong điều trị ung thư, trầm cảm, bệnh tim mạch
- vv.
Phụ nữ mãn kinh và nguy cơ mắc rối loạn thần kinh tim
Mãn kinh không trực tiếp gây ra rối loạn thần kinh tim, nhưng như chúng ta đã nói ở trên, rối loạn thần kinh tim có liên quan mật thiết với trạng thái căng thẳng, lo âu, trầm cảm, vv.
Bước vào tuổi mãn kinh, do sự suy giảm của hormone estrogen, phụ nữ rất dễ bị rối loạn tâm trạng. Khoảng thời gian này chính là khoảng thời gian gia tăng rối loạn tâm thần ở phụ nữ. Khả năng rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng ở phụ nữ mãn kinh cao gấp 3 lần so với tiền mãn kinh. Đặc biệt với những phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng, tỉ lệ này sẽ còn tăng cao hơn.
Ngoài ra, suy giảm estrogen còn làm ức chế sản xuất serotonin – một hóa chất trong não có tác dụng điều chỉnh tâm trạng. Khi lượng sertonin bị thiếu hụt, rất dễ dẫn đến lo âu và trầm cảm.
Triệu chứng rối loạn thần kinh tim dễ nhầm với bệnh tim
Rối loạn thần kinh tim là có các triệu chứng tương tự như bệnh tim mạch, vì thế bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh tim. Về cơ bản, triệu chứng rối loạn thần kinh tim thường gặp là:
Mệt mỏi. Mệt mỏi là hiện tượng bình thường của con người mỗi khi kiệt sức, sẽ hết khi nghỉ ngơi phù hợp. Mệt mỏi do rối loạn thần kinh tim lại kéo dài khá lâu, thậm chí cũng không đỡ khi người bệnh đã ngủ một giấc dài và say.
Đánh trống ngực. Đánh trống ngực là hiện tượng người bệnh cảm thấy tim đập “thình thịch” và loạn xạ trong ngực. Đây chính là một rối loạn về nhịp tim.
Đau ngực. Đau ngực là triệu chứng thường gặp ở bệnh tim thực thể nhưng nó cũng là triệu chứng gặp ở rối loạn thần kinh tim. Cơ đau ngực có thể là đau nhói từng cơn hoặc đau mãn tính, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cơn đau ngực cấp tinh thường xuất hiện bất chợt và hết trong một khoảng thời gian ngắn. Đối với đau ngực mãn tính, các cơn đau thường xuất hiện vào sáng sớm, vị trí đau không rõ rệt.
Chóng mặt. Chóng mặt là cảm giác cảm thấy xung quanh quay cuồng, đứng không vững và có thể té ngã, ngấy xỉu. Tình trạng này đôi khi nghiêm trọng khiến người bệnh phải nhập viện.
Tăng thông khí. Tăng thông khí là tình trạng thở sâu và nhanh hơn bình thường. Hiện tượng này gây thiếu hụt CO2 trong máu khiến người bệnh cảm thấy khó thở, tim đập nhanh, choáng váng.
Ngoài các triệu chứng trên, còn một số triệu chứng khác như vã mồ hôi, run rẩy tay chân, vv.
Bệnh rối loạn thần kinh tim có nguy hiểm không?
Rối loạn thần kinh tim là một bệnh ít gây nguy hiểm nhưng những triệu chứng mà nó gây ra có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như tinh thần của người mắc. Về lâu dài, bệnh có thể ảnh hưởng tới cả chất lượng công việc. Vì thế, vẫn cần điều trị nếu mắc rối loạn thần kinh tim. Bệnh có thể chữa khỏi nếu chẩn đoán được đúng nguyên nhân. Tuy nhiên, điều trị rối loạn thần kinh tim cần kiên trì và tuân thủ đúng phác đồ, nếu tự ý bỏ thuốc bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn.
Phương pháp điều trị rối loạn thần kinh tim
Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp tự nhiên.
Điều trị bệnh bằng thuốc men
Thuốc an thần thường được sử dụng để điều trị rối loạn thần kinh tim. Thuốc có tác dụng làm giảm lo lắng và căng thẳng cho người bệnh. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp điều trị triệu chứng, giải quyết vấn đề tạm thời chứ không khắc phục được nguyên nhân gốc rễ. Hơn thế nữa, việc sử dụng thuốc an thần trong một thời gian dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không tốt, như:
- Buồn ngủ, chóng mặt
- Lẫn
- Rối loạn trí nhớ
- Khả năng tập trung và đánh giá giảm
- Làm tăng trầm cảm và lo âu
- Nguy cơ phụ thuộc vào thuốc
- Nguy cơ tử vong vid quá liều
- vv.
Vì thế, phương pháp điều trị được nhiều bác sĩ khuyến cáo hiện nay là thay đổi chế độ ăn uống cũng như chế độ luyện tập để giảm căng thẳng.
Giảm bệnh bằng chế độ ăn uống, tập luyện
Về chế độ ăn uống. Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây tươi. Ăn các loại thực phẩm tươi sống. Không nên tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống chứa nhiều chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá. Nếu trong gia đình có người nghiện thuốc, cũng nên khuyên người thân bỏ thuốc.
Về chế độ tập luyện. Hãy tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Để duy trì được thói quen tốt này, trước hết bạn cần lựa chọn cho mình một bộ môn yêu thích, sau đó tăng dần mức độ luyện tập từ nhẹ đến nặng, sao cho phù hợp với thể chất. Nên nhớ rằng chúng ta mất 6 tháng để “biến” một hoạt động thành thói quen. Vì thế hãy kiên trì và coi thể dục thể thao như một phần của cuộc sống. Hoạt động thể chất không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp giải tỏa căng thẳng.
Thực hành các kỹ thuật thư giãn. Yoga, thiền là những bộ môn giúp giảm căng thẳng rất tốt, bạn có thể thử thực hành các kỹ thuật này.
Sử dụng các sản phẩm giúp cân bằng hormone tuổi mãn kinh. Bước vào tuổi mãn kinh, phụ nữ cũng nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên (isoflavone đậu nành và chasteberry) để cân bằng hormone trong cơ thể. Trước khi sử dụng bất kì sản phẩm nào bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ, hỏi ý kiến của những người có chuyên môn để tránh mua phải những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Như vậy, rối loạn thần kinh tim không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm nhưng nó có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như tinh thần của người mắc. Bệnh có thể chữa khỏi nhưng cần kiên trì và tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ. Bài viết trên chúng tôi không chẩn đoán bệnh hay đưa ra phương pháp điều trị nào thay thế phương pháp điều trị của bác sĩ chuyên khoa, mọi thông tin chi tiết còn thắc mắc các bạn có thể liên hệ với chúng tôi hoặc hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị của mình để được tư vấn giải đáp một cách cụ thể nhất.
Ý kiến của bạn